Gần đây trên mạng có lan truyền rộng rãi bài thuốc chữa xoang từ cây giao. Thế nhưng, rất ít người có thể ngờ tới rằng: cây Giao là một trong những loại cây có độc tính cao, khi dùng phải hết sức lưu ý.
Được trồng khắp nơi để làm cảnh
Cây giao còn được gọi là cây Xương Khô, lục ngọc thụ, quang côn thụ, thanh san hô, san hô xanh. Có tên khoa học là Euphorbia tirucalli L ., thuộc họ thầu dầu – Euphorbiaceae. Đây là loại cây nhỡ, có thể cao từ 4- 8m. Thân to bằng cổ tay, nhiều cành gần như mọc vòng, hình trụ, dài, màu lục, nom như cành san hô. Các cành nhỏ có lá. Lá hẹp, rụng rất sớm. Cây có mủ trắng nhiều như sữa.
Tại Việt Nam, cây được trồng nhiều để làm cảnh vì có khả năng chịu hạn cao, chịu nhiệt, có thể trồng trên đất cát hay sỏi đá, có khả năng thích ứng cao với thời tiết.
Cây Giao được trồng nhiều làm cảnh
Dược tính không ít
Trong cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam có viết về cây Giao: Toàn cây có vị cay, hơi chua, tính mát, hơi có độc; có tác dụng thúc sữa, sát trùng, khư phong, tiêu viêm, giải độc. . Nhựa cây rất độc, có thể làm mù mắt; nó gây phồng làm nóng đỏ, chống kích thích, xổ. Nhựa này sẽ khô đặc lại ngoài ánh sáng và khi ngâm trong nước sẽ cho loại nhựa như cao su. Tuy nhiên, không thấy nhắc đến công dụng chữa viêm xoang (?)
Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị thiếu sữa, nấm ngoài da, khớp xương buốt đau.
Ở Ấn Độ, nhựa cây dùng trị mụn cóc, thấp khớp, đau thần kinh, đau răng, trị ho, hen suyễn, đau tai và dùng duốc cá.
Indonexia: dùng nhựa trị bệnh ngoài da, rò, mụn mủ, bướu, táo bón và làm thuốc tẩy.
Ở Thái Lan, nhựa tươi cũng được dùng ngoài để trị mụn cóc.
Ở nước ta, cành lá cũng được dùng trị bệnh ngoài da, táo bón và liệt dương (viện Dược liệu); rễ cây dùng trị loét mũi và trĩ. Nhân dân còn dùng cành tươi ngâm rượu chữa đau răng.
Cách dùng : Nhựa dùng để bôi, cành và rễ dùng dưới dạng thuốc sắc. (Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam)
Một số người dùng chế thuốc ngậm chữa đau răng như sau: Hái lấy chừng 50 cành xương khô, rửa sạch, ngâm ngay vào trong 100ml cồn 90 độ. Mỗi lần dùng 1 thìa cà phê (15ml) cho vào cốc nước, ngậm một chốc, sau đó thì nhổ đi, ngày ngậm 3- 4 lần.
Độc tính cũng chẳng vừa
Nhựa của cây giao có thể gây bỏng, phồng rộp như mụn nước hoặc tạo vết loét trên da và niêm mạc, nếu dính vào mắt sẽ gây cảm giác đau rát nặng dẫn đến mù loà trong vài ngày. Ở dạng thuốc uống, nó có thể gây cảm giác cháy bỏng trong miệng môi, lưỡi và cổ họng, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và loét dạ dày.
Sẽ rất nguy hiểm nếu nuốt phải nhựa cây
Một số trường hợp tử vong được ghi nhận ở miền Đông châu Phi. Trẻ em và vật nuôi có thể bị tổn hại nếu họ ăn nhằm nhựa cây giao. Tại Zimbabwe, một người đàn ông được ghi nhận đã chết vì xuất huyết dạ dày và ruột sau khi nuốt mủ cây này để chữa bệnh vô sinh. Nhiều trường hợp người dân đi cắt cỏ vô tình bị mủ cây giao bắn vào mắt sau đó dù đã chữa trị tích cực nhưng mức độ hư hỏng vẫn đến 60 – 70%, có trường hợp bị lồi hẳn nhãn cầu ra ngoài. Do vậy, khi bị nhựa giao văng vào mắt, phải rửa ngay với nước mát sạch, cứ 15 phút rửa lại một lần, uống kèm thuốc giải dị ứng và đi ngay đến phòng khám mắt để được chữa trị kịp thời.
Thận trọng khi dùng chữa Viêm xoang
Phương pháp sử dụng cây Giao được lan truyền nhiều nhất hiện nay vẫn là: Đun cành cây tươi lên để xông. Tuy nhiên, tuyệt đối thận trọng vì việc làm này có thể gây ra rất nhiều nguy hiểm.
Các loài Euphorbia đều chứa nhựa nhưng nhựa cây giao được xem là độc nhất, tuy không gây chết người nhưng làm tổn thương nặng da và mắt, vì vậy khi thu hái các loài cây này cần mang bao tay và đeo kính bảo vệ mắt. Ngoài ra, hơi của cây có độc. Xông hơi không cẩn thận ngoài nguy cơ bị hơi nóng làm bỏng niêm mạc, người bệnh còn có thể bị hơi độc ngấm vào niêm mạc trong mũi xoang, vô cùng nguy hiểm.
Một số người còn sử dụng dịch của cây Giao để chữa viêm xoang bằng cách nhỏ hoặc xịt trực tiếp vào mũi. Nếu dịch này không được chiết xuất kỹ lưỡng, có thể những độc tố vẫn còn sót lại, gây hại trực tiếp cho người bệnh.